“Thủ phạm” gây ho khạc ra máu
Ho khạc ra máu là tình huống khi bạn ho và thấy có máu đi kèm với nước bọt hoặc chất đờm nhầy có thể xuất phát từ phổi, cổ họng hoặc bất kỳ phần nào khác của hệ hô hấp. Mức độ nghiêm trọng của tình huống liên quan đến lượng máu ho ra. Một số lý do ho khạc ra máu có thể kể đến như:
Thương tích hoặc chấn thương vùng răng miệng: Bạn có thể nhổ ra máu sau khi bị thương hoặc chấn thương nướu răng, răng hoặc bất kỳ mô nào trong khoang miệng. Nguyên nhân có thể khá đơn giản, chẳng hạn do gặm nhấm vật cứng, sắc nhọn hoặc nghiến răng trong khi ngủ có thể gây ra chảy máu nhẹ. Trong trường hợp này dễ dàng xác định nơi chảy máu.
Dùng thuốc: Bạn có thể thấy đờm có máu do sử dụng một số loại thuốc nhất định. Tình trạng này phổ biến hơn với các loại thuốc dạng bơm hít vào. Chảy máu thường xảy ra hàng giờ sau khi dùng thuốc. Bạn có thể gặp tình huống tương tự khi sử dụng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu.
Hút thuốc lá: Một trong nhiều lý do thấy chất nhầy kèm máu là hút thuốc lá. Hút thuốc lá quá mức có thể làm hỏng các mô của hệ hô hấp. Điều này thường làm cho bạn thấy máu lẫn trong chất nhầy và đờm khạc ra. Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi.
Nhiễm trùng hô hấp trên: Nhiễm trùng hô hấp trên do virus cúm hoặc vi khuẩn như Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus có thể là lý do gây ho ra máu. Điều này cũng có thể xảy ra do nhiễm nấm Aspergillus. Nhiễm HIV cũng có thể dẫn đến có máu trong dịch nhầy.
Nhiều nguyên nhân gây ho khạc ra máu.
Giãn phế quản: Trong bệnh lý giãn phế quản, đường dẫn khí bị giãn nở và tạo ra nhiều dịch đờm, có thể kèm máu. Các triệu chứng phổ biến nhất của giãn phế quản bao gồm hơi thở hôi, đờm xanh, thở khò khè, niêm mạc nhợt nhạt, khó thở và mệt mỏi.
Viêm phế quản và viêm phổi: Nhiễm virus có thể dẫn đến viêm phế quản và một số triệu chứng thường gặp bao gồm khó thở khi gắng sức, sốt nhẹ, thở khò khè, đau ngực và mệt mỏi. Viêm phổi do vi khuẩn như do Streptococcus cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm phế quản nhưng với mức độ nghiêm trọng hơn: Khó thở nghiêm trọng kèm sốt cao, ớn lạnh, ho ra máu.
Tắc mạch phổi: Đôi khi ho ra máu cho thấy tình trạng sức khỏe đang nghiêm trọng, chẳng hạn như do thuyên tắc phổi. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và thậm chí có thể dẫn đến tử vong đột ngột. Thuyên tắc mạch phổi thường do cục máu đông di chuyển đến các động mạch phổi và ngăn chặn lưu lượng máu đến phổi. Trong trường hợp này, người bệnh cũng sẽ gặp một số triệu chứng khác như đau dữ dội ở ngực, khó thở và có nhiều khả năng thấy chất nhầy màu hồng có bọt khi ho.
Bệnh lao phổi: Lao phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng ho ra máu.
Ung thư phổi: Ung thư phổi cũng có thể là lý do tại sao bạn thấy máu trong chất nhầy. Nguyên nhân là vì các mạch máu nhỏ vỡ ra do khối u. Sự hoại tử tế bào khối u cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu. Các triệu chứng khác của ung thư phổi bao gồm thở khò khè, ho ra máu, khó thở, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và đau ngực dữ dội.
Các nguyên nhân hiếm gặp khác: Trong một số trường hợp, ho ra chất nhầy có máu chỉ ra một số nguyên nhân hiếm gặp khác, bao gồm tăng áp tĩnh mạch phổi, bệnh tắc tĩnh mạch phổi, phù phổi, lupus ban đỏ hệ thống.
Giãn phế quản, viêm phế quản cũng có thể gây ho ra máu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bạn nên đến bác sĩ khám ngay lập tức nếu bạn đang ho khạc ra máu kéo dài trong vài ngày và có các triệu chứng khác đi kèm như sốt, đau ngực, khó thở và có máu trong nước tiểu hoặc phân.
Ho ra nhiều máu cũng là một dấu hiệu cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Bác sĩ sẽ khám tổng quát và hỏi bệnh sử của bạn. Bạn sẽ được làm các xét nghiệm cụ thể như chụp CT scan, chụp Xquang ngực, soi phế quản và một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân cơ bản trong trường hợp của bạn và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Tóm lại, điều quan trọng là phải biết nguyên nhân cơ bản xuất hiện máu trong nước bọt và chất đờm nhầy khi ho khạc ra để có hướng điều trị đúng. Tìm tư vấn y tế có thể giúp ích cho bạn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng ho ra máu và triệu chứng liên quan. Nếu máu trong nước bọt là do các vấn đề về răng, nên gặp nha sĩ. Nếu máu có liên quan đến các bệnh lý nội và ngoại khoa, nên đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa.
BS. Lê Thanh Hải
Nguồn : https://suckhoedoisong.vn/ho-khac-ra-mau-xu-tri-the-nao-n175479.html