Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao, đặc biệt là trẻ em sống trong gia đình người mắc bệnh lao phổi có nguy cơ bị nhiễm lao và mắc bệnh lao cao hơn những trẻ em khác, nhất là trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi và trẻ nhiễm HIV. Mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em trong một cộng đồng tỷ lệ thuận với mức độ lưu hành bệnh lao ở người lớn, tỷ lệ trẻ em trong dân số và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong cộng đồng đó.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính số ca lao trẻ em mới mắc hàng năm chiếm tỷ lệ từ 10-11% trong tổng số bệnh nhân lao mắc mới các thể ở các nước có gánh nặng bệnh lao cao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu (báo cáo WHO 2018). Theo cách ước tính trên, mỗi năm nước ta có khoảng 13 nghìn trẻ em mắc lao các thể cần phải điều trị. Trong khi đó, mỗi năm Chương trình Chống lao Quốc gia mới chỉ phát hiện và quản lý điều trị được từ 10 -13% sốca lao trẻ em mắc mới.
Hoạt động lao trẻ em (phát hiện ca bệnh lao, lao tiềm ẩn để quản lý và điều trị tốt) là một phần quan trọng trong Chiến lược Phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của CTCLQG, số ca lao trẻ em phát hiện và đăng ký điều trị được báo cáo trong hệ thống VITIMES của Chương trình giai đoạn từ năm 2010 – 2016 chỉ giao động từ 1100 – 1700 ca (chỉ chiếm tỷ lệ từ 1,2% -1,7% số bệnh nhân lao mới các thể và lao phổi tái phát thu nhận hàng năm). Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam mới chỉ phát hiện được từ10% - 13% số trẻ mắc lao mới hàng năm.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua, công tác khám sàng lọc lao cho các trẻ tiếp xúc với nguồn lây, điều trị dự phòng bằng INH cho trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em nhiễm HIV, phát hiện chẩn đoán và quản lý điều trị lao trẻ em còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế
Thực hiện kế hoạch hoạt động Quỹ toàn cầu phòng chống lao giai đoạn 2018 - 2020, DAPCLQG phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thừa Thiên – Huế tổ chức lớp 9 lớp tập huấn Quản lý lao trẻ em cho cán bộ làm công tác chống lao và các bác sĩ khám chữa bệnh cho trẻ em tại 152 trạm y tế phường/xã, các Phòng khám Đa khoa khu vực của 9 Trung tâm y tế tế huyện, thị xã và thành phố Huế trên địa bàn toàn tỉnh.
Các nội dung tập huấn tập trung vào nhận biết trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc lao, trẻ có nguy cơ cao mắc lao khi sống chung nhà với người bệnh lao phổi, cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị lao và lao tiềm ẩn ở trẻ em, theo dõi điều trị. Giới thiệu cho cán bộ tuyến xã thực hiện quản lý trẻ tiếp xúc với nguồn lây, hướng dẫn cách ghi chép sổ, biểu mẫu, báo cáo
Sau lớp tập huấn, các học viên sẽ nắm vững các kiến thức chuyên môn trong phát hiện, chẩn đoán và quản lý điều trị bệnh lao trẻ em, cụ thể:
- Khám sàng lọc, nhận biết trẻ có những triệu chứng nghi lao để chuyển đến các Tổ chống lao huyện hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám phát hiện bệnh lao trẻ em.
- Quản lý trẻ sống trong gia đình người mắc bệnh lao phổi, đăng ký trẻ tiếp xúc vào sổ vàng S1
- Tư vấn, theo dõi quản lý điều trị bệnh lao trẻ em, điều trị dự phòng lao tiềm ẩn cho trẻ em từ 0 đến <5 tuổi và trẻ từ 0 đến <15 tuổi nhiễm HIV có yếu tố tiếp xúc với người mắc lao phổi.
- Ghi chép sổ sách (Sổ vàng S1) và biểu mẫu báo cáo (M1, M2)
Một số hình ảnh: