Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
PV: Làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh về những bất cập trong cải cách thủ tục hành chính đã được đề cập rất nhiều nhưng thực tế vẫn là khâu yếu, ông bình luận gì về thực trạng này?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tuyên ngôn cũng như chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận đánh giá cao và đang chờ đợi việc thực hiện. Nó thể hiện trăn trở của người đứng đầu Chính phủ về thực trạng đáng báo động của đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong các ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước.
Hiện Đảng, Nhà nước đang thực hiện rất mạnh việc cải cách, tuy nhiên một bộ phận cán bộ công chức không những không chuyển động mà còn thể hiện sức ỳ quá lớn, càng ngày xu hướng ỷ lại càng mạnh, đẩy việc cho nhau và cho cấp trên; nói nhiều nhưng không hành động, thậm chí còn nói dối, báo cáo sai sự thật hoặc là hành động cầm chừng, hoặc hành động nhưng không hiệu quả dẫn đến kể cả những cán bộ cấp vụ, cục cũng nằm trong tình trạng đó. Đây là kết quả rất đáng báo động.
PV: Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cũng đã phản ánh những bất cập, yếu kém trong công tác cải cách thủ tục hành chính, chúng ta có thể cắt đi nhiều thủ tục rườm rà nhưng những kết quả ấy đều bằng không khi chính cán bộ công chức chưa thực sự cải cách chính bản thân mình, thực hiện công vụ với tư duy cũ?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, cải cách chính bản thân mới là cải cách lớn nhất, vượt qua được bản ngã mới là quan trọng nhất. Không cải cách sẽ thiếu kiến thức, thiếu quyết tâm, thậm chí nhiều cán bộ có thể nói là vô cảm trước công vụ và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân.
Thực tế cho thấy có những cán bộ công chức, viên chức thuộc loại “đánh trống ghi danh”, không có đóng góp mấy cho cơ quan đơn vị, chứ chưa nói đến đóng góp cho địa phương, ngành hay Nhà nước.
Thời bao cấp, người ta thường nói “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/tay cầm quyết định đời đời ấm no”, ý nói đã cầm quyết định vào biên chế Nhà nước cứ thế là ngồi hưởng, không phải lo lắng gì. Nếu chúng ta không cải cách nhanh, chúng ta sẽ bị quay trở về thời kỳ của câu nói trên thì rất đáng báo động.
PV: Vậy theo ông thực tế này sẽ gây hệ lụy như thế nào đối với người dân?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Hệ lụy trước hết là người ta không thực hiện nhiệm vụ, công việc không chạy. Họ không giải quyết được các công việc của Nhà nước – những công việc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho họ.
Chính vì vậy, nó làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ do Đảng, Nhà nước bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, bồi dưỡng, giao cho họ quyền lực của nhân dân; có những người đã không thực hiện lại còn phản bội lại lợi ích của nhân dân, điều đó hết sức nguy hiểm.
PV: Vậy theo ông, để cải cách con người, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, từ tư duy nào?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Có rất nhiều ý kiến về yêu cầu cải cách con người. Theo tôi, trước hết từ bản thân cán bộ công chức viên chức phải luôn tự cập nhật, trau dồi kiến thức lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, phải thực hiện một cách mẫn cán và tận tụy đối với công việc; phải biết rèn luyện tác phong, thái độ làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân.
Về phía Nhà nước, người quản lý Nhà nước cần thực hiện “2 siết, 1 bỏ”, tức là siết chặt chất lượng đầu vào và siết chặt quá trình quản lý cán bộ công chức, viên chức; sẵn sàng và kiên quyết loại bỏ cán bộ công chức, viên chức yếu kém, vi phạm; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện thể chế quản lý, đảm bảo các điều kiện hoạt động, nâng cao chất lượng các khâu đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển đề bạt vào các vị trí lãnh đạo quản lý; cải cách chế độ tiền lương, thực hiện nghiêm chế độ khen thưởng kỷ luật đối với cán bộ công chức viên chức.
Như vậy phải từ cả 2 phía, Nhà nước và công chức đều phải tự cải cách, tạo nên sự hoàn thiện để có được đội ngũ cán bộ công chức viên chức chất lượng cao.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện “2 siết 1 bỏ” hiện nay như ông vừa phân tích?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta nói nhiều nhưng làm chưa đạt. Cụ thể là thời gian qua, rất nhiều cán bộ được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước một cách không minh bạch; chất lượng cán bộ được tuyển kém, không đạt tiêu chuẩn; bổ nhiệm một cách thần tốc; khi có vi phạm lại không xử lý dẫn đến việc “tẩu tán nhân sự”, và cho đến giờ cán bộ có trách nhiệm để xảy ra những sai phạm cũng chưa thấy bị xử lý. Vụ việc cứ thế “chìm xuồng”, nhân dân làm sao có thể đồng tình.
Do vậy, những sai phạm cần phải xử lý công bằng, triệt để nếu không dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi” và rất nguy hiểm ở chỗ, người dân không tin tưởng, còn người vi phạm, cán bộ công chức không biết sợ, người ta sẽ tiếp tục làm sai, thậm chí còn sai phạm lớn hơn sai phạm trước.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc cải cách thủ tục hành chính cần được nhìn nhận và thực hiện theo góc độ của doanh nghiệp, tức là cán bộ công chức không làm tốt có thể chuyển công tác, thậm chí sa thải. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có những điểm khác nhau về tính chất, một bên là quản lý Nhà nước, một bên là sản xuất kinh doanh; một bên cần lợi nhuận, còn một bên phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ Nhà nước đặt ra, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… Có một điểm giống nhau ở chỗ là đều hướng tới hiệu quả của quản lý. Cho nên, muốn có hiệu quả quản lý phải chú ý đến công tác quản lý nhân sự, quản lý cán bộ.
PV: Nếu chúng ta không thực hiện được văn hóa từ chức, không đủ mạnh dạn để có quyết định từ chức, theo ông có chế tài pháp lý nào đủ mạnh để có thể thực hiện được việc đó?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Ở đây cần đến vai trò của các cơ quan tham mưu và lãnh đạo công tác tổ chức nhân sự, cần có sự nghiên cứu để tham mưu cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành quy định xử lý riêng đối với người đứng đầu. Nếu nhìn về hệ thống chế tài xử lý cua nước ta là khá nhiều, về hành chính, dân sự, hình sự rồi chế tài về trách nhiệm, tinh thần, vật chất, có thể tuy theo mức độ sai phạm để áp dụng cho phù hợp. Quan trọng là việc phát hiện và xử lý cho nghiêm và hiệu quả, chúng ta đang thiếu khâu này.
Vì vậy cần có nghiên cứu hết sức nghiêm túc, toàn diện để có thể đề ra chính sách xử lý thật nghiêm, để cán bộ đương chức cũng như đã nghỉ việc cũng phải nhìn nhận vào những chế tài đó để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc của mình, tránh hiện tượng bị xử lý theo những chế tài đó.
Bên cạnh việc quản lý chặt, xử lý nghiêm, cũng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, nêu gương tốt để cái tốt trở thành chủ đạo, có tính lan tỏa, tạo được sự liêm sỉ, trở thành một đạo lý để lấn át những cái đen tối, ác độc, vô cảm, ỷ lại vốn đã trở thành “căn bệnh” đã ăn vào cơ thể con người, cần phải có những loại kháng sinh để làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức của Đảng và Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV